Thứ Tư, 30 tháng 11, 2011

ỐNG KÍNH ĐÓ ĐÂY

Nông dân Hà Nội

mưu sinh ở Sài Gòn

 
   Gần 100 người, hầu hết đến từ một số huyện của Hà Nội đã tụ họp thành "xóm" bán bắp ngô luộc ở quận Tân Phú, TP.HCM. Tất cả chịu sống trong những căn nhà cho thuê tạm bợ, lụp xụp hơn chính căn nhà ở quê họ, nơi ruộng không đủ nuôi sống gia đình.





Nghề bán bắp luộc rất phổ biến ở Sài thành.
Người đàn ông này mở đầu một ngày mới bằng 
việc chuẩn bị luộc bắp để bán trưa, chiều và tối
 
 
Vừa bước vào con hẻm 249, Tân Quỳ, Tân Quý, Q. Tân Phú, đã thấy mùi khét lẹt từ lốp xe cháy lẫn với mùi củi. Hàng chục nồi to luộc bắp ngô đang sôi sình sịch.

Khói nghi ngút, mùi khét và cái nóng hầm hập khiến người đàn ông này chỉ đảo bắp một chút rồi phải chạy ra chỗ khác. Nếu trời mưa, lửa sẽ tắt ngúm và người ta đợi hết mưa ra châm lửa lại.

Người phụ nữ này lấy than để đặt dưới nồi tàu hũ, đi bán giữa trưa. Đàn ông thường đẩy xe đi bán, còn phụ nữ chọn quang gánh.

Xe bán bắp luộc và hột vịt lộn buổi tối.

Dãy nhà trọ của làng bán bắp luộc. Mỗi phòng trọ chừng 7m2 có giá khoảng 1,7 triệu/tháng, bao gồm cả tiền điện, nước.

Ngoài nghề bán bắp luộc, có nhiều người chọn nghề ve chai để kiếm sống.

Người đàn ông này đã rời quê ở làng Vân Đình (Hà Tây cũ) 10 năm nay, cùng vợ đi bán bắp luộc và hột vịt lộn nuôi hai con ăn học. Ông nói ở quê, mỗi người chỉ có một sào ruộng, làm không đủ ăn nên phải tha phương.

Người phụ nữ này đang rửa hột vịt lộn cho chồng đem đi bán buổi tối.

Mỗi bắp ngô luộc lãi khoảng 500 đến 1000 đồng. Mỗi xe đẩy thường bán 100 bắp ngô/một ngày.



Vẻ đẹp lung linh của Sài thành buổi đêm không thể thiếu hình ảnh những người bán hàng rong. Có ai biết, đằng sau họ là bao nỗi cơ cực.


Nhóm phóng viên, nguồn internet

Thứ Năm, 24 tháng 11, 2011

BÊN CHÉN TRÀ THƠM


KIENTRUCPARIS
 thân ái gởi đến các bạn nhân mùa lễ Tạ Ơn 2011
 

Xin Cám Ơn Cuộc Ðời


     Trân trọng mời đọc bài viết đặc biệt cho mùa lễ tạ ơn ,Thứ Năm, 25/11/2011, tại Mỹ năm nay của tác giả Hoàng Thanh.
    Cô tên thật Võ Ngọc Thanh, một dược sĩ thuộc lớp tuổi 30’, hiện là cư dân Westminster, Orange County. Bài viết về Lễ Tạ Ơn của cô, kể lại câu chuyện xúc động, giản dị mà khác thuờng, bắt đầu từ cái bình thuờng nhất: "Chỉ với một nụ cuời..." .

   Tựa đề 
"Xin Cám Ơn Cuộc Ðời" đuợc đặt lại theo tinh thần bài viết.

   Thế là một mùa Lễ Tạ Ơn nữa lại đến.
   Tôi vẫn còn nhớ, lần đầu tiên khi nghe nói về Lễ Tạ Ơn, tôi thầm nghĩ, dân ngoại quốc sao mà... "quởn" quá, cứ bày đặt lễ này lễ nọ, màu mè, chắc cũng chỉ để tạo dịp bán thiệp, bán hàng cho  nguời ta mua tặng nhau thôi, một cách làm business đó mà..."

   Năm đầu tiên đặt chân đến Mỹ, Lễ Tạ Ơn hoàn toàn không có một chút ý nghĩa gì với tôi cả, tôi chỉ vui vì ngày hôm đó đuợc nghỉ làm, và có một buổi tối quây quần ăn uống với gia đình.

   Mãi ba năm sau, tôi mới thật sự hiểu đuợc ý nghĩa của ngày Lễ Tạ Ơn.
   Thời gian này tôi đang thực tập ở một Pharmacy để lấy bằng Duợc Sĩ. Tiệm thuốc này rất đông khách, cả ngày mọi nguời làm không nghỉ tay, điện thoại lúc nào cũng reng liên tục, nên ai nấy đều căng thẳng, mệt mỏi, dễ đâm ra quạu quọ, và hầu như không ai có nổi một nụ cuời trên môi.
   Tiệm thuốc có một bà khách quen, tên bà là Josephine Smiley. Tôi còn nhớ rất rõ nét mặt rất phúc hậu của bà. Năm đó bà đã gần 80 tuổi, bà bị tật ở tay và chân nên phải ngồi xe lăn, lại bị bệnh thấp khớp nên các ngón tay bà co quắp, và bà lại đang điều trị ung thư ở giai đoạn cuối. Cứ mỗi lần bà đến lấy thuốc (bà uống hơn muời mấy món mỗi tháng, cho đủ loại bệnh), tôi đều nhìn bà ái ngại. Vì thấy rất tội nghiệp cho bà, nên tôi thuờng ráng cười vui với bà, thăm hỏi bà vài ba câu, hay phụ đẩy chiếc xe lăn cho bà. Nghe đâu chồng bà và đứa con duy nhất bị chết trong một tai nạn xe hơi, còn bà tuy thoát chết nhưng lại bị tật nguyền, rồi từ đó bà bị bệnh trầm cảm, không đi làm được nữa, và từ 5 năm nay thì lại phát hiện bị ung thư. Mấy nguời làm chung trong tiệm cho biết, bà hiện sống một mình ở nhà duỡng lão.
   Tôi vẫn còn nhớ rất rõ vào chiều hôm truớc ngày lễ Thanksgiving năm 1993, khi bà đến lấy thuốc. Bỗng dưng bà cuời với tôi và đưa tặng tôi tấm thiệp cùng một ổ bánh ngọt bà mua cho tôi. Tôi cám ơn thì bà bảo tôi hãy mở tấm thiệp ra đọc liền đi.
   Tôi mở tấm thiệp và xúc động nhìn những nét chữ run rẩy, xiêu vẹo:
  
   Dear Thanh,
   My name is Josephine Smiley, but life does not "smile" to me at all. Many times I wanted to kill myself, until the day I met you in this pharmacy. You are the ONLY person who always smiles to me, after the death of my husband and my son. You made me feel happy and help me keep on living.
I profit this Thanksgiving holiday to say "Thank you", Thanh.

   Thank you, very much, for your smile...

   Rồi bà ôm tôi và bà chảy nuớc mắt. Tôi cũng vậy, tôi đứng mà nghe mắt mình uớt, nghe cổ họng mình nghẹn... Tôi thật hoàn toàn không ngờ được rằng, chỉ với một nụ cuời, mà tôi đã có thể giúp cho một con nguời có thêm nghị lực để sống còn.
   Ðó là lần đầu tiên, tôi cảm nhận được ý nghĩa cao quý của ngày lễ Thanksgiving.

   Ngày Lễ Tạ Ơn năm sau, tôi cũng có ý ngóng trông bà đến lấy thuốc truớc khi đóng cửa tiệm. Thì bỗng dưng một cô gái trẻ đến tìm gặp tôi. Cô đưa cho tôi một tấm thiệp và báo tin là bà Josephine Smiley vừa mới qua đời 3 hôm truớc. Cô nói là lúc hấp hối, bà đã đưa cô y tá này tấm thiệp và nhờ cô đến đưa tận tay tôi vào đúng ngày Thanksgiving. Và cô ta đã có hứa là sẽ làm tròn uớc nguyện sau cùng của bà. Tôi bật khóc, và nuớc mắt ràn rụa của tôi đã làm nhòe hẳn đi những dòng chữ xiêu vẹo, ngoằn nghèo trên trang giấy:


My dear Thanh,
I am thinking of you until the last minute of my life.
I miss you, and I miss your smile...
I love you, my "daughter"...

   Tôi còn nhớ tôi đã khóc sưng cả mắt ngày hôm đó, không sao tiếp tục làm việc nổi, và khóc suốt trong buổi tang lễ của bà, nguời "Mẹ American" đã gọi tôi bằng tiếng "my daughter"...
 
   Truớc mùa Lễ Tạ Ơn năm sau đó, tôi xin chuyển qua làm ở một pharmacy khác, bởi vì tôi biết, trái tim tôi quá yếu đuối, tôi sẽ không chịu nổi niềm nhớ thương quá lớn dành cho bà, vào mỗi ngày lễ đặc biệt này, nếu tôi vẫn tiếp tục làm ở pharmacy đó.
   Mãi cho đến giờ, tôi vẫn còn giữ hai tấm thiệp ngày nào của nguời bệnh nhân này. Và cũng từ đó, không hiểu sao, tôi yêu lắm ngày Lễ Thanksgiving, có lẽ bởi vì tôi đã "cảm" được ý nghĩa thật sự của ngày đặc biệt này.


   Thông thường ở Mỹ, Lễ Tạ Ơn là một dịp
để gia đình họp mặt. Mọi nguời đều mua một tấm thiệp, hay một món quà nào đó, đem tặng cho nguời mình thích, mình thương, hay mình từng chịu ơn. Theo phong tục bao đời nay, thì trong buổi họp mặt gia đình vào dịp lễ này, món ăn chính luôn là món gà tây.
   Từ mấy tuần truớc ngày Lễ TẠ ƠN, hầu như chợ nào cũng bày bán đầy những con gà tây, gà ta, còn sống có, thịt làm sẵn cũng có... Cứ mỗi mùa Lễ Tạ Ơn, có cả trăm triệu con gà bị giết chết, làm thịt cho mọi người ăn nhậu.
   Nguời Việt mình thì hay chê thịt gà tây ăn lạt lẽo, nên thuờng làm món gà ta, "gà đi bộ." Ngày xưa tôi cũng hay ăn gà vào dịp lễ này với gia đình, nhưng từ ngày biết Ðạo, tôi không còn ăn thịt gà nữa. Từ vài tuần truớc ngày lễ, hễ tôi làm được việc gì tốt, dù rất nhỏ, là tôi lại hồi huớng công đức cho tất cả những con gà, tây hay ta, cùng tất cả những con vật nào đã, đang và sẽ bị giết trong dịp lễ này, cầu mong cho chúng thoát khỏi kiếp súc sanh và được đầu thai vào một kiếp sống mới, tốt đẹp và an lành hơn.
   Từ hơn 10 năm nay, cứ mỗi năm đến Lễ Tạ Ơn, tôi đều ráng sắp xếp công việc để có thể tham gia vào những buổi "Free meals" tổ chức bởi các Hội Từ Thiện, nhằm giúp bữa ăn cho những nguời không nhà. Có đến với những bữa cơm như thế này, tôi mới thấy thương cho những nguời dân Mỹ nghèo đói, Mỹ trắng có, Mỹ đen có, nguời da vàng cũng có, và có cả nguời Việt Nam mình nữa. Họ đứng xếp hàng cả tiếng đồng hồ, rất trật tự, trong gió lạnh mùa thu, nhiều nguời không có cả một chiếc áo ấm, răng đánh bò cạp...để chờ đến phiên mình được lãnh một phần cơm và một chiếc mền, một cái túi ngủ qua đêm.
   Ở nơi đâu trên trái đất này, cũng luôn vẫn còn rất rất nhiều nguời đang cần những tấm lòng nhân ái của chúng ta...
   Nếu nói về hai chữ "TẠ ƠN" với những nguời mà ta từng chịu ơn, thì có lẽ cái danh sách của chúng ta sẽ dài lắm, bởi vì không một ai tồn tại trên cõi đời này mà không từng mang ơn một hay nhiều nguời khác. Chúng ta được sinh ra làm nguời, đã là một ơn sủng của Thuợng Ðế. Như tôi đây, có đuợc ngày hôm nay, ngồi viết những dòng này, cũng lại là ơn Cha, ơn Mẹ, ơn Thầy...
  
   Cám ơn quê hương tôi - Việt Nam, với 2 mùa mưa nắng, với những nguời dân bần cùng chịu khó. Quê hương tôi - nơi đã đón nhận tôi từ lúc sinh ra, để lại trong tim tôi biết bao nhiêu là kỷ niệm một thời thơ ấu. Quê hương tôi, là nỗi nhớ, niềm thương của tôi, ngày lại ngày qua ở xứ lạ quê nguời...
   Cám ơn Mẹ, đã sinh ra con và nuôi dưỡng con cho đến ngày truởng thành. Cám ơn Mẹ, về những tháng ngày nhọc nhằn đã làm lưng Mẹ còng xuống, vai Mẹ oằn di, về những nỗi buồn lo mà Mẹ đã từng âm thầm chịu dựng suốt gần nửa thế kỷ qua...
   Cám on Ba, đã nuôi nấng, dạy dỗ con nên nguời. Cám ơn Ba, về những năm tháng cực nhọc, những chuỗi ngày dài đằng đẵng chạy lo cho con từng miếng cơm manh áo, về những giọt mồ hôi nhễ nhại trên lưng áo Ba, để kiếm từng đồng tiền nuôi con ăn học....
   Cám ơn các Thầy Cô, đã dạy dỗ con nên nguời, đã truyền cho con biết bao kiến thức để con trở thành một nguời hữu dụng cho đất nuớc, xã hội...
   Cám ơn các chị, các em tôi, đã chia sẻ với tôi những tháng ngày cơ cực nhất, những buổi đầu đặt chân trên xứ lạ quê nguời, đã chia vui, động viên những lúc tôi thành công, đã nâng đỡ, vực tôi dậy những khi tôi vấp ngã hay thất bại...
   Cám ơn tất cả bạn bè tôi, đã tặng cho tôi biết bao nhiêu kỷ niệm - buồn vui - những món quà vô giá mà không sao tôi có thể mua đuợc. Nếu không có các bạn, thì có lẽ cả một thời áo trắng của tôi không có chút gì để mà luu luyến cả...
   Cám ơn nhỏ bạn thân ngày xua, đã "nuôi" tôi cả mấy năm trời Ðại học, bằng những lon "gigo" cơm, bữa rau, bữa trứng, bằng những chén chè nho nhỏ hay những ly trà đá ở căn-tin ngày nào.
   Cám ơn các bệnh nhân của tôi, đã ban tặng cho tôi những niềm vui trong công việc. Cả những bệnh nhân khó tính nhất, đã giúp tôi hiểu thế nào là cái khổ, cái đau của bệnh tật...
   Cám ơn các ông chủ, bà chủ của tôi, đã cho tôi biết giá trị của đồng tiền, để tôi hiểu mình không nên phung phí, vì đồng tiền lương thiện bao giờ cũng phải đánh đổi bằng công lao khó nhọc...
   Cám ơn những người tình, cả những nguời từng bỏ ra đi, đã giúp tôi biết đuợc cảm nhận được thế nào là Tình yêu, là Hạnh phúc, và cả thế nào là đau khổ, chia ly.
   Cám ơn những dòng thơ, dòng nhạc, đã giúp tôi tìm vui trong những phút giây thơ thẩn nhất, để quên đi chút sầu muộn âu lo, để thấy cuộc đời này vẫn còn có chút gì đó để nhớ, để thương...
   Cám ơn những thăng trầm của cuộc sống, đã cho tôi nếm đủ mọi mùi vị ngọt bùi, cay đắng của cuộc đời, để nhận ra cuộc sống này là vô thuờng... để từ đó bớt dần "cái tôi" - cái ngạo mạn của ngày nào...

   Xin cám ơn tất cả... những ai đã đến trong cuộc đời tôi, và cả những ai tôi chưa từng quen biết. Bởi vì:


" Trăm năm  trước thì ta chưa gặp,
 Trăm năm  sau biết gặp lại không?
Cuộc đời sắc sắc không không,
Thôi thì hãy sống hết lòng với nhau..."

   Và cứ thế mỗi năm, khi mùa Lễ Tạ Ơn đến, tôi lại đi mua những tấm thiệp, hay một chút quà để tặng Mẹ, tặng Chị, tặng những nguời thân thương, và những nguời đã từng giúp đỡ tôi. Cuộc sống này, đôi lúc chúng ta cũng cần nên biểu lộ tình thương yêu của mình, bằng một hành động gì đó cụ thể, dù chỉ là một lời nói "Con thương Mẹ", hay một tấm thiệp, một cành hồng. Tình thương, là phải được cho đi, và phải đuợc đón nhận, bởi lỡ mai này, những nguời thương của chúng ta không còn nữa, thì ngày Lễ Tạ Ơn sẽ có còn ý nghĩa gì không?

   Xin cho tôi đuợc một lần, nói lời Tạ Ơn: Cám ơn lắm, cuộc đời này...

Hoàng Thanh
                                 


Thứ Tư, 23 tháng 11, 2011

SỨC KHỎE - Y HỌC

 Cám ơn bạn Lê Quang Nhuận cung cấp tài liệu nầy:


Rau thơm chữa bệnh
Húng quế *– vị thuốc dân gian



Húng quế còn  gọi là húng chó (rau Quế ăn phở), có mùi thơm tương tợ quế khâu,
thường dùng trong ẩm thực, còn là vị thuốc quý.
   Húng quế là cây rau xanh, lá nhỏ, thân nâu tím, hoa trắng. Theo Đông y, húng quế có vị cay, tính nóng, làm ra mồ hôi, lợi tiểu, giảm đau. Quả húng quế có vị ngọt và cay, tính mát, tốt cho thị lực. Lá húng quế rất thơm, đem nhai sống làm thơm tho răng miệng. Mùi hương này còn tạo cảm giác hưng phấn, xua tan mệt mỏi và nâng cao ham muốn tình dục. Hơn nữa, lấy húng quế cho lên bếp để mùi hương lan tỏa khắp nhà còn xua đuổi được côn trùng rất công hiệu.
   Như các loại rau thơm ăn sống khác, húng quế không chỉ có hương vị thơm ngon mà nó còn giúp thức ăn dễ tiêu, chống đầy hơi, buồn nôn hay co thắt dạ dày. Dân gian truyền rằng, lúc thấy đầy bụng, khó tiêu, chỉ cần ngâm húng quế vào nước nóng mà uống là sẽ thấy ấm bụng, dễ chịu.
   Húng quế chứa rất nhiều tinh dầu. Trong tinh dầu này có chất chống oxy hóa mạnh có thể ngăn ngừa lão hóa và phòng chống ung thư. Ngoài ra, tinh dầu còn chứa nhiều vitamin và chất khoáng, nhất là ma-nhê (Mg), rất tốt cho cơ bắp và tim mạch. Khả năng dưỡng da, làm đẹp của dầu húng quế càng không phải bàn cãi vì chữa trị mụn trứng cá và bệnh vảy nến rất tốt.



  Tây y cũng khuyên dùng
   Theo nghiên cứu của Tây y, húng trồng ở Ấn Độ và Đông Nam Á, tức húng quế ở nước ta có tác dụng kháng sinh phi thường. Ăn một chút lá tươi, tình trạng sưng khớp sẽ giảm đến 75% chỉ sau 24 giờ.
   Không gây tác dụng phụ như đau dạ dày và rát ruột, người bệnh có thể ăn húng quế hàng ngày. Không chỉ giúp cho khớp xương, húng chó còn là thuốc giảm đau đa năng.
   Người ta còn kể rằng các cụ ngày xưa hay hái cành húng mà dắt vào tai để tránh đau đầu, trầm cảm, đau nửa đầu. Ăn húng quế còn trị được cảm lạnh, cúm, ho gà, hen suyễn, viêm phế quản và viêm xoang, làm giảm lượng đường và cholesterol trong máu.


   Bài thuốc dân gian :
Mỡ trong máu: Lấy hạt húng quế 5-10g đem hãm với nước sôi cùng đường và mật ong rồi uống.
Táo bón: Hạt húng quế 5-10g, rau mồng tơi 50g. Đem cả hai nấu canh để ăn.
Viêm họng: Húng quế 20g, củ rẻ quạt 6g, gừng tươi 5 lát. Đem tất cả nấu lấy nước, và chia làm 2-3 lần uống trong ngày.
Đầy bụng: Húng quế 20g, gừng tươi 5 lát đem sắc lấy nước dùng trong ngày.
Thiếu sữa: Sắc một nắm lá húng quế trong 1 lít nước, dùng uống mỗi ngày 2 ly.
Mẩn dị ứng: Lá, hoa, quả, hạt húng quế giã nhỏ, lấy nước uống và lấy bã xát lên chỗ đau.
Đau răng: Lấy vài nhánh húng quế nhai sống. Có thể giã nát  trước rồi bôi vào chỗ đau.


Cung cấp thông tin : Lê Quang Nhuận.
________________________________
 * Phụ chú : (TL)
 Húng quế Viêt Nam, khác với Basilic bên Pháp.
Húng quế thường thấy bên pháp : Basilic anis, (lá thơm mùi anis)
 
Húng quế Việt Nam, Basilic cannelle, (lá thơm mùi vỏ cây quế)
   Húng có tên thực vât là OCIMUM, họ LAMIACEAE, . Theo Th.S Phạm Hoàng Hộ, Cây Cỏ Miền Nam, Q2, 1970, trang 376, có 03 loại :

 1. Húng Quế, Ocimum Basilicum, hay basil, Basilic.

Cỏ cao 0,5 - 1 m. Thân vuông, lá có răng thưa, có lông hay không, mùi thơm.
Phát hoa ở ngọn. Hoa không cọng hay cọng ngắn, đài 5 răng, vành tím dợt, môi trên to, có 4 răng tròn, môi dưới hình ghe, 4 tiểu nhụy, 2 dài, 2 ngắn. Bế quả nhỏ, đen, (mà ta lầm là hột).
   Lá phấn khởi, kiện vị, lợi tiểu, kích dục.
   Bế quả làm nước ngọt.
   Phát hoa từ tháng giêng đến tháng chạp.
 2. É lớn lá, Ocimum gratissimum.
 3. É đỏ, É tía, Ocimum sanctum. Công dụng : trị ho